Trải nghiệm Insta360 GO 2: pin rất tốt, chất lượng video ngon và thử các tính năng
Mình vừa có cơ hội trải nghiệm nhanh chiếc Insta360 GO 2, từ bài trên tay của admin @cuhiep mình đã khá thích nó vì sự tiện dụng và nhỏ gọn. Ở bài viết này mình sẽ test thử các vấn đề mà mình tò mò về nó như pin, chất lượng video như thế nào, và các tính năng sẽ ra sao.
Pin
Dung lượng pin 1100mAh là của chiếc kén và thời gian sạc đầy là sạc cả combo kén và Insta360 GO 2, anh em lưu ý.
Pin là vấn đề mà mình rất quan tâm, với một chiếc camera nhỏ gọn như vậy chỉ nặng 27gram, nhưng nhà sản xuất công bố nó có thể quay được: 30 phút với Video mode và 20 phút ở Pro video mode (Standalone – không gắn trong kén).
Trong bài test thực tế khi không gắn trong kén mình có các kết quả như sau:
- Video mode: trung bình mình quay liên tục được hơn 25 phút, nhà sản xuất cho biết ở chế độ Video mode có thể quay liên tục được 15 phút, nhưng mình toàn bị dừng ở 12 phút, hoặc 13 phút, vấn đề về quá nhiệt thì mình thường bị.
- Pro Video mode: trung bình được hơn 17 phút quay liên tục, và bị quá nhiệt liện tục, ở điều kiện phòng bình thường.
Mình cũng có test là kén sẽ sạc được bao nhiêu lần cho Insta360 GO 2 khi kén đầy pin. Đầu tiên mình sạc cho cả kén và Insta360 GO 2 đầy pin, sau đó lấy Insta360 GO 2 ra khỏi kén và quay liên tục, rồi đưa vào lại kén để sạc và quay tiếp và có kết quả như sau (Video mode):
- Lần 1: lần đầu lấy ra khi đầy pin quay liên tục được hơn 24 phút và đưa lại vào kén sạc mất 50 phút để Insta360 GO 2 để đầy lại 100%.
- Lần 2: quay liên tục hơn 25 phút và đưa lại vào kén sạc thì chỉ lên được 40%.
Còn khi vừa gắn trong kén vừa quay thì pin dùng rất thoải mái, mình có đi loanh quay quay chụp hỗn hợp 2 tiếng quanh khu vực mình ở, thì đến khi về nhà vẫn chưa hết pin.
Vấn đề nhiệt độ, sau khi mình quay liên tục với Pro Video Mode 13 phút thì đã bị quá nhiệt và Insta360 GO 2 đã ngừng hoạt động.
Mình cũng đã đo nhiệt độ các mặt, và kết quả là:
Mặt trước ở khoảng 46 độ C.
Khu vực camera vào khoảng 51 độ C.
Mặt hông thì không nóng lắm.
Mặt sau ở khu vực sạc nam châm thì mình thấy nóng muốn bỏng tay, nhưng đo được là hơn 66 độ.
Chất lượng video, hình ảnh
Ảnh được chụp từ Insta360 GO 2 và mình có sử dụng chế độ Pure Shot.
Về chất lượng video, Insta360 GO 2 có thể quay được chất lượng cao nhất ở 1440p 50fps và max bitrate là 80Mbps.
Ở Video mode và Pro Video mode bạn đều có thể quay được 1440p ở 50fps nếu muốn tối ưu dung lượng bộ nhớ thì chọn Video mode, bạn muốn chất lượng cao nhất, và có FlowState Stabilization để chống rung tốt hơn thì có thể chọn Pro Video mode.
Khi xem file trên app, thì chất lượng đã rất ok, màu sắc rất nịnh mắt, màu trời khá đẹp.
Trên ứng dụng, anh em có thể thấy được format, tính năng mà anh em sử dụng để quay ra đoạn clip đó, mình rất thích vì tìm được clip rất nhanh.
Insta360 GO 2 có thể chụp ảnh RAW định dạng DNG, theo mình thấy là chất lượng tương đối ổn. Nhưng đáng chú ý là trên app của Insta360 GO 2 có phần Pureshot (tăng độ nét, giảm noise, tăng độ trung thực của hình ảnh) và Color Plus (sẽ làm tăng màu sắc của ảnh, ảnh sẽ có màu sắc rực rỡ nịnh mắt hơn), hỗ trợ đáng kể cho việc chỉnh sửa ảnh.
Khung hình
Đây là các góc của khung hình fisheye, và anh em có thể đè vào video khi đang edit để tuỳ chỉnh khung hình này.
Insta360 GO 2 có khung hình chỉ chiếm một phần trong góc quay thực tế của nó, và ống kính của Insta360 GO 2 là ống kính fisheye nên góc quay sẽ là rất rộng.
Source video thực tế mà Insta360 Go 2 ghi nhận sẽ như thế này, và phần mềm sẽ làm phần còn lại.
Nói cách khác, cảm biến và ống kính của Insta360 GO 2 thu được rất nhiều hình ảnh và nhà sản xuất chỉ sử dụng một phần hữu hiệu ở trung tâm phần còn lại để sử dụng cho các tính năng chống rung và hậu kì.
Trong app xử lí anh em có thể tự tay chọn góc nhìn mà anh em muốn, thậm chí anh em có thể quay xong rồi về chọn khung hình sau cũng được, rất thuận tiện và nhanh gọn. Ở dưới phần timeline, sẽ có các điểm để đánh dấu đoạn mà anh em di chuyển khung hình.
FlowState Stabilization
Mình có thể dễ dàng quay bằng tay nhưng vẫn nhận được các footage đẹp.
FlowState Stabilization cũng là một tính năng rất đáng chú ý trên Insta360 GO 2, thường chỉ xuất hiện trên các máy ảnh 360 độ cao cấp của họ.
Dựa trên đặc tính khung hình mình nói ở trên và khả năng chống rung 6 trục, FlowState Stabilization và Horizon Lock đã thực hiện rất tốt chức năng của mình, mình chỉ sử dụng một chiếc chân máy chân nhện để cầm hỗ trợ, và hầu hết các cảnh quay đều là cầm tay, nhưng khả năng chống rung làm mình rất hài lòng.
Một ảnh mình xuất ra từ đoạn video mình thử chức năng Time Shift.
Cụ thể ở các shoot quay với tính năng Time Shift thì phần chống rung rất tốt, anh em có thể thấy phần ghi-đông xe rung lắc cực mạnh, nhưng phần đường đi và điểm tụ của phối cảnh rất đẹp, gần như là không rung lắc, mình quay trong điều kiện cầm bằng tay.
Time Shift
Đây là một tính năng quay và tua nhanh đoạn video, mình nhận thấy một đoạn video dài của mình có đoạn tua nhanh và đoạn tua chậm và hiệu ứng tua nhanh mượt và hấp dẫn hơn, đây là điểm khác biệt lớn nhất với chế độ timelapse – sẽ tua nhanh từ đầu đến cuối cùng một tốc độ. Mình sẽ test kỹ hơn chức năng này.
Còn về chống rung như mình đã có đề cập ở trên, FlowState Stabilization phát huy rất tốt chức năng của mình, anh em có thể thoải mái cầm bằng tay để quay chức năng này.
Timelapse
Chức năng này thì đã quá quen thuộc với anh em rồi, mình có thử test để thử quay chuyển động của mây và nước, chất lượng vẫn rất ổn, thông tin thêm là ở tất cả các chế độ quay đều sẽ tối đa ở 1440p chỉ riêng slowmotion là 1080p 120fps.
HDR
Ở chức năng này, mình thấy khá ấn tượng vì màu sắc không bị đẩy lên quá mức, và nó cho chi tiết tốt hơn khá nhiều, các vùng tối được cho thấy rõ ràng hơn.
Shoot mình quay các toà nhà ở Landmark 81, các chi tiết vùng tối lên rất đã, màu thì mượt, không bị đẩy lên quá nhiều, làm mình rất ấn tượng.
Phụ kiện Insta360 Go 2
Vòng đeo cổ nam châm
Một sáng tạo khá đơn giản nhưng theo mình là hiệu quả, anh em sẽ có góc nhìn FOV khá hay, đặc biệt là có được nhịp thở, nhịp di chuyển của cơ thể tốt hơn. Mình chỉ ấn tượng nhất một điều rằng phần nam châm rất tốt, hít rất chặt và mình nghĩ khó có thể nào làm nó rớt ra được mà không dùng tay lấy ra.
Kẹp nón
Kẹp nón kiểu như thế này không phải là cái gì đó mới, nhưng insta360 Go 2 hay hơn vì nó sử dụng nam châm, việc gỡ ra đơn giản hơn rất nhiều.
Mặc khác, Mình còn sử dụng cái kẹp nón này như một cái chân máy khác nữa của Go2. Insta nói rất nhiều về cái kén có 2 cái “cánh” để làm tripod của họ, nhưng mà đối với kẹp nón, đôi khi nhiệm vụ chân máy còn được làm tốt hơn.
Phần đế cao su giúp chiếc nón này làm nhiệm vụ như chân máy tốt hơn.
Đầu tiên là các góc thấp hơn, vị trí nhỏ hơn, khó để vựa vặn hơn, thì kẹp nón sẽ phát huy khá nhiều lợi thế. Thứ 2, do kén có thiết kế phần trên nặng hơn phần dưới nhiều, nên trọng tâm khá cao và chân thường không vững, ở các vị trí không phẳng sẽ khó mà đứng được.
Còn khi gắn lên nón thì đáng chú ý nhất là lực kẹp rất tốt, mình có thử gắn lên nón và chơi ván trượt, trò này thì khá cơ bản nhưng góc nhìn khá lợi hại đấy.
Đế có keo dán
Đây cũng là một phụ kiện lợi hại, cái này làm tăng tính linh động, phù hợp cho nhiều tình huống của Insta360 GO2, chỉ cần là bề mặt sạch không có cát, bụi là dán được hết, khá lợi hại, còn tái sử dụng được nữa.
Tận dụng kích thước nhỏ gọn của Go2 mình có thể dán lên rất nhiều nơi, góc khó, sáng tạo mới một cách đơn giản. Ví dụ như mình gắn lên dao, tạo góc nhìn cận cảnh khi cắt vào đồ ăn.
Khung hình thu được sẽ trông như thế này.
Kết
Insta360 GO 2 đã mang lại cho mình nhiều trải nghiệm khá tốt, gọn nhẹ, chất lượng video lại rất ngon, đây có thể sẽ là một combo ngon cho anh em làm video, travel, hoặc anh em thích thể thao. Anh em thấy sao về hình ảnh và video của Insta360 GO 2, hãy để lại cho mình các hình ảnh và video về các cảnh quay của Insta360 GO 2 mà anh em đang sở hữu nhé.
Nguồn: TinhTe.vn